Lễ hội truyền thống đình làng thôn Thanh mai
Đình được xây dựng vào thời Nguyễn, tôn tạo vào các năm 1993, 2010. Đình thờ năm anh em thành hoàng làng đã có công lập làng bao gồm: Thiên Tào Dũng Nghị chi thần, Đệ nhất Nguyên Công chi thần, Đệ nhị Văn Công chi thần, Đệ tam Khánh Công chi thần, Đệ tứ Thuần Công chi thần, Đệ ngũ Kiêm Công chi thần. Lễ hội truyền thống diễn ra từ ngày 12 đến ngày 15 tháng 2 âm lịch để tưởng nhớ công ơn lập làng của các vị Thành hoàng.
Ngày 12 tháng 2 toàn thể nhân dân trong làng tập trung tại đình để chuẩn bị lễ rước quanh làng. Đoàn rước bao gồm: cờ thần, 5 chiếc kiệu chân nhang, lọng, trống, kỳ lân, đoàn tế nam quan, nữ quan và nhân dân trong thôn. Đoàn rước xuất phát từ đình Cả ra miếu Đầm, miếu Chùa, miếu Cây si, miếu ông thánh Năm rồi về đình Cả chuẩn bị khai hội. Sau khi UBND xã khai mạc lễ hội, một vị hương lão trong làng lên đánh trống khai hội. Sau đó là màn tế khai tịch của đoàn tế nữ quan trong thôn với các nghi lễ trang nghiêm. Tiếp đó là màn dâng hương của các đoàn thể, phe, giáp, dòng họ và nhân dân trong thôn. Các ngày sau đan xen với các màn tế lễ, dâng hương của các đoàn tế nam quan, nữ quan trong và ngoài xã là các trò chơi dân gian như; cờ tướng, chọi gà, đập niêu đất. Buổi tối có giao lưu văn nghệ do thôn tổ chức.
Chiều ngày 15 tháng 2, tổ chức lễ tạ, rước chân nhang về các miếu, làm lễ an vị và kết thúc lễ hội.
Giá trị của di sản văn hóa phi vật thể với đời sống cộng đồng:
Lễ hội truyền thống đình Thanh Mai là dịp người dân tưởng nhớ công lao lập làng của 5 vị thành hoàng làng, cầu mong các vị thành hoàng hiển linh, che chở cho người dân nơi đây một cuộc sống an bình, no ấm. Đồng thời, lễ hội là dịp người dân được nghỉ ngơi sau những ngày tháng lao động mệt nhọc, tham gia các hoạt động tế lễ, tâm linh, các trò chơi dân gian, thỏa mãn nhu cầu tâm linh. Qua đó, lễ hội đã góp phần củng cố tình làng, nghĩa xóm.
Các biện pháp bảo vệ và phát huy đã và đang triển khai và đề xuất của chủ thể để bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể:
- Cấp ủy, chính quyền xã An Thanh đã nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và hướng dẫn toàn bộ hoạt động của lễ hội đình Thanh Mai.
- Ban tổ chức lễ hội, BQL di tích đã tích cực tham mưu trong việc quản lý, tổ chức và giải quyết các vấn đề phát sinh tại lễ hội và tại di tích, hạn chế đến mức thấp nhất những tiêu cực có thể xảy ra trong lễ hội.
- Trong công tác tổ chức lễ hội hàng năm đã có sự phối hợp chặt chẽ và sự vào cuộc của các cấp, các ngành tại địa phương trong trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Công tác thanh tra, kiểm tra được tiến hành thường xuyên, liên tục và xử lý kịp thời và nghiêm minh những hành vi vi phạm trong hoạt động lễ hội theo quy định của pháp luật.